Thiền sư Huyền Quang


Phật pháp ứng dụng Thiền sư Huyền Quang

Văn Nôm của Huyền Quang thế nào? Sau đây ta hãy đọc vài đoạn đầu trong bài phú Vịnh Chùa Hoa Yên:

Buông niềm trần tục Náu tới Hoa Yên
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy
Gió tiên đưa đòi bước thần tiên 
Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới 
Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên

Ðất phúc địa nhận xem luống kể 
Kể bao nhiêu dư trăm phúc địa.
Trời thiền nhiên hiệp thâu thửa lạ 
Lạ hơn ba mươi sáu thiền thiên

Thấy đây:

Ðất tựa vàng lên Cảnh bằng ngọc đúc
Mây năm thức che phủ đền Nghiêu 
Non nghìn tầng quanh co đường Thục
La đá tầng thê dốc, một hòn ôm vịn một hòn

Dòng nước chảy làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc
Cỏ chiều gió lướt dạm vui vui
Non tạnh mưa dầm màu thúc thúc 
Ngàn cây phi Cánh Phượng, vườn thượng uyển đóa tốt rờn rờn

Hang nước tưới Hàm Rồng nhả lí châu hột săn mục mục
Nhựa đông hổ phách, sáng khắp rừng thông
Da điểm đồi mồi, đổng hỏa vườn trúc 
Gác vẽ tiếng bồ lao thốc, gió vật đoành đoành

Ðiện ngọc phiến bối diệp che, mưa tuôn túc túc
Cảnh tốt hòa lành Ðồ tựa vẽ tranh
Chỉn ấy Trời thiêng mở khéo 
Nhèn chi vua Bụt tua hành 

Hồ sen trương tán lục
Suối trúc bấm đàn tranh
Ngự sử mai hai hàng chầu rập
Trượng phu tùng mấy chạnh phò oanh 

Phỉ thúy sắp hai hàng loan phượng
Tử vi bày liệt vị công khanh 
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng 
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh

Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu mây nhè nhẹ
Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh...

THỜI KỲ HƯNG THỊNH CHẤM DỨT

Phật Giáo Trúc Lâm, sau Huyền Quang, không còn hưng thịnh nữa. Ðây có phải lỗi của Huyền Quang không? Nếu có, thì đó là lỗi gì? Phải chăng Huyền Quang đã không tìm được người xứng đáng để kế vị gánh vác việc lãnh đạo giáo hội? Tại sao không có ai nói tới đệ tứ tổ Trúc Lâm trong khi truyền thống Trúc Lâm tiếp tục từ An Tâm xuống Phù Vân, từ Phù Vân xuống Vô Trước và cứ thế truyền mãi tới về sau?

Một điều ta có thể ghi nhận là Huyền Quang nhận trách vụ lãnh đạo giáo hội lúc ông đã 77 tuổi. Ông đã chán việc ngoài đời, không ưa giao du liên lạc với vua quan trong triều nữa. Ông ở yên trong núi Côn Sơn. Có lẽ ông đã ủy thác mọi việc cho quốc sư An Tâm. An Tâm đã bất lực trong công việc lãnh đạo giáo hội chăng? Ðiều này ta không thể trả lời được. 

Dù An Tâm có tài có sức nhưng khó mà duy trì được sự hưng thịnh của Phật Giáo Trúc Lâm khi mà xã hội bắt đầu phân hóa chia rẽ vì lý do tranh chấp ý thức hệ, khi mà các nhà lãnh đạo quốc gia không có khả năng đoán đúng người, khi mà nho thần nghĩ rằng chỉ có Nho Giáo mới lãnh đạo Thánh, còn Phật Giáo là tín ngưỡng có hại cho quốc gia. Hơn nữa, một giáo hội dựa quá nhiều trên thế lực triều đình để phát triển mà không biết quay về tìm thế đứng trong dân gian, thì một khi sự ủng hộ triều đình không còn, giáo hội ấy hẳn nhiên sẽ thiếu lưng tựa và hiện tượng suy đồi là chuyện hiển nhiên phải tới.

Xem thêm: